Một số người nói cơm nguội cực kỳ tốt cho sức khỏe, tim mạch, hệ tiêu hóa vì chúng tạo nhiều tinh bột kháng, điều này có đúng? (Hùng, 39 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
Tinh bột kháng là một loại carbonhydrate không tiêu hóa được trong ruột non, thay vào đó lên men trong ruột già, cung cấp vi khuẩn có lợi cho đường ruột – hoạt động giống chất xơ trong hệ tiêu hóa. Loại tinh bột này có một số lợi ích và cung cấp ít calo hơn tinh bột thông thường. Chất này có thể được sử dụng dưới dạng chất bổ sung bột và có dạng tự nhiên ở các loại đậu, chuối xanh, yến mạch và các thực phẩm giàu tinh bột khác.
Thực tế, chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh cơm khi để nguội lạnh sẽ tạo ra các chất có lợi, đơn cử là tinh bột kháng, nên không thể khẳng định thực phẩm này cực kỳ tốt cho sức khỏe. Chưa kể, lạm dụng tinh bột kháng có thể gây tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn.
Hơn thế, việc ăn cơm nguội thường xuyên không được khuyến khích vì tiềm ẩn nhiều rủi ro nhiễm khuẩn. Khi để ở nhiệt độ phòng trong thời gian dài, bào tử vi khuẩn trong cơm sẽ phát triển mạnh mẽ, tạo thành môi trường cho các loại vi khuẩn sinh sôi. Thực tế, cơm nguội rất dễ ôi thiu, ngả màu vàng, mùi hôi, nhớt, nếu không bảo quản lạnh. Khi nhiễm khuẩn, cơm nguội có thể gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc cấp.
Nhìn chung, ăn cơm nguội không phải là lựa chọn tốt và không thể thay thế cơm nóng. Tốt nhất, bạn nên nấu lượng vừa đủ bữa ăn, tránh để cơm lại bữa sau. Cơm nguội được bảo quản tốt nhưng hấp đi hấp lại nhiều lần sẽ giảm dinh dưỡng, không nên hâm quá hai lần.
Theo vnexpress,net
Viết bình luận