Bị thương khi mang thai có nên tiêm phòng uốn ván?
Tôi mang thai lần đầu, tháng thứ 2, muốn đợi thai kỳ ổn định mới tiêm vaccine uốn ván. Sau đó, tôi vô tình cắt trúng lòng bàn tay, có vết thương dài, thì nên chủng ngừa như thế nào? (Ngọc Thắm, 28 tuổi, Cần Thơ)
Trả lời:
Vaccine có thành phần uốn ván bắt buộc tiêm khi mang bầu, thường chủng ngừa vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, cần hoàn thành phác đồ trước khi sinh ít nhất một tháng. Trường hợp của bạn mới mang thai ở tháng thứ 2 nhưng có vết thương có nguy cơ cao nhiễm uốn ván vẫn hoàn toàn tiêm ngừa được.
Lý do là mầm bệnh có mặt khắp mọi nơi, xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở. Khi bị nhiễm trùng, bệnh rất khó điều trị, để lại nhiều di chứng về thần kinh, khả năng vận động.
Uốn ván có tỷ lệ tử vong cao, 10-90% tùy theo đối tượng. Trong khi đó, phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch suy giảm, khi bị thương thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Bạn không nên quá lo lắng vì các mũi vaccine đơn hoặc phối hợp nhiều thành phần đều được chứng minh an toàn, chỉ chứa các mầm bệnh "đã chết", an toàn cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
Nếu bạn chưa chủng ngừa hoặc đã tiêm hơn 10 năm, cần phải tuân thủ phác đồ hai mũi cách nhau một tháng. Tùy theo tình trạng của vết thương như bị dập nát, dính bùn đất... bác sĩ sẽ tư vấn dùng thêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván.
Nếu bạn đã hoàn thành ba mũi cơ bản trước khi có thai và chưa tiêm nhắc trong vòng 5 năm, chỉ cần một mũi vaccine, không cần huyết thanh.
Hiệu quả phòng bệnh của vaccine uốn ván được chứng minh lên đến 95% nếu tiêm đủ liều, đúng lịch. Phụ nữ mang thai có thể lựa chọn tiêm vaccine VAT (Việt Nam); Td (Việt Nam) phòng cùng lúc bạch hầu và uốn ván; Adacel (Canada) và Boostrix (Bỉ) ngừa hai bệnh nói trên và thêm ho gà.
Ngoài ra khi có vết thương, thai phụ cần tuân thủ phác đồ của bác sĩ chuyên khoa, chú ý vệ sinh, khử khuẩn, loại bỏ đất, cát có thể bám trên vết thương, hạn chế làm dập nát. Mọi người không băng kín vết thương vì môi trường kỵ khí (thiếu oxy) là điều kiện lý tưởng để nha bào uốn ván phát triển. Bên cạnh đó, thai phụ cần kết hợp ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để vết thương mau lành.
Theo vnexpress.net
Viết bình luận