Cảnh giác biến chứng nhiễm trùng huyết do cúm
Biến chứng nhiễm trùng huyết do cúm không phổ biến, song diễn biến nhanh và nặng nề, đe dọa tính mạng người mắc.
Fox News đưa tin hồi cuối tháng 10 về Allison Miller, 33 tuổi, Mỹ, đang chịu di chứng sau khi mắc cúm nặng. Cô bị tổn thương phổi vĩnh viễn và chức năng tim chỉ ở mức trung bình, thường xuyên quay lại bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.
Trước đó, Miller rất khỏe mạnh, chưa từng tiêm vaccine. Bệnh bắt đầu từ triệu chứng thông thường như đau họng, nhức đầu, sau đó trở nặng hơn. Sau một ngày, người phụ nữ bị đau lưng đến mất ngủ, hôn mê trên xe cấp cứu. Ba tuần sau, cô tỉnh lại, được cho biết đã mắc cúm gây viêm phổi nặng và bội nhiễm vi khuẩn, biến chứng nhiễm khuẩn huyết, bị cắt cụt chân trái trong tình trạng hôn mê. Miller phải nằm viện thêm hai tháng và điều trị nội trú nhiều tuần để phục hồi chức năng.
Biến chứng nhiễm trùng huyết do cúm cũng ghi nhận ở bé trai 3 tuổi (quốc tịch Campuchia), điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM, Việt Nam) vào tháng 5. Bé trai nhiễm cúm A gây viêm phổi nặng, tổn thương gan, sốt cao liên tục, ho đờm và thở mệt tăng dần nên phải thở máy. Nhờ được điều trị tích cực, bé vượt qua nguy kịch.
Bác sĩ Đoàn Thị Hải Yến, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết cúm mùa thường tiến triển lành tính, song cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh mạn tính về tim mạch, hô hấp; suy giảm miễn dịch; cao tuổi, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.
Nhiễm khuẩn huyết là một trong những biến chứng nặng nề nhất, xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức với tình trạng nhiễm trùng dẫn tới tấn công ngược lại toàn cơ thể, gây tổn thương các cơ quan. Biến chứng này không phổ biến song có thể tiến triển thành sốc nhiễm trùng và gây tử vong nhanh chóng.
"Nhiễm trùng huyết thường liên quan đến các tác nhân do vi khuẩn. Tuy nhiên, nhiễm trùng huyết do virus đang ngày càng tăng trên toàn thế giới. Trong số đó, cúm chiếm ưu thế, ngày càng có nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết trực tiếp do virus này hoặc gián tiếp do bội nhiễm vi khuẩn", bác sĩ Yến nói.
Hiệp hội Hô hấp châu Âu dẫn một nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ Mỹ, cho thấy tỷ lệ nhập viện do nhiễm trùng huyết nặng liên quan đến cúm là 8,8/100.000 người một năm. Đa phần bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn tử vong do nhập viện muộn.
Theo bác sĩ Yến, người bệnh có tâm lý chủ quan với tình trạng sốt, ho, thường tự điều trị tại nhà, chỉ nhập viện khi bệnh đã vào giai đoạn nặng, nhiễm trùng nghiêm trọng. Lúc này, việc điều trị rất khó khăn, nguy cơ tử vong cao.
"Chỉ chậm nhập viện vài tiếng, tình trạng sốc nhiễm trùng sẽ không được xử trí kịp thời, người bệnh có nguy cơ suy đa tạng, nguy hiểm tính mạng với tỷ lệ tử vong lên đến 60%", bác sĩ Yến cho biết.
Trong khi đó, bệnh cúm diễn biến quanh năm, tăng mạnh khi thời tiết chuyển mùa từ thu sang đông tại miền Bắc và mùa mưa tại miền Nam, miền Trung hiện nay. Hai tháng gần đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội và TP HCM ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý đường hô hấp, trong đó có cúm tăng hơn trước, nhiều ca trở nặng phải nhập viện. Do đó, bác sĩ Yến khuyên mọi người cần cảnh giác với bệnh và biến chứng nặng nói trên.
Ở giai đoạn đầu, nhiễm trùng do virus cúm có thể gây ra các triệu chứng như ho, hắt hơi, sốt, nôn mửa, tiêu chảy, mệt mỏi, tương đồng với Covid-19 hoặc cảm lạnh. Đây là cách hệ thống miễn dịch của cơ thể cố gắng loại bỏ tác nhân gây bệnh.
"Khi bị sốt, việc đầu tiên cần làm là hạ sốt và bù đủ nước, điện giải. Sau đó, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng sốt, từ đó điều trị phù hợp", bác sĩ Yến khuyến cáo.
Bác sĩ Yến cho biết tiêm phòng vaccine cúm mùa định kỳ hàng năm là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh và các biến chứng. Tiêm vaccine có thể hạn chế nguy cơ trẻ nghỉ học, người lớn nghỉ làm do bệnh, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm cho người thân.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết nhiều nghiên cứu chỉ ra tiêm phòng giúp giảm 70-90% tỷ lệ mắc bệnh. Vaccine giúp giảm nguy cơ nhập viện, giảm 74% nguy cơ diễn tiến nặng nhập khoa hồi sức nhi; giảm 80% tử vong liên quan đến cúm, giảm chi phí y tế và tình trạng mất khả năng lao động do bệnh.
Hiện Việt Nam có vaccine cúm tứ giá là Vaxigrip Tetra (Pháp) và Influvac Tetra (Hà Lan), giúp phòng ngừa 4 chủng virus đang lưu hành, có thể gây dịch và tử vong như A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata và B/Victoria. Mũi tiêm hiệu quả phòng bệnh với các chủng virus sau khoảng 2-3 tuần, duy trì miễn dịch 12 tháng.
Ngoài tiêm chủng, mọi người nên phòng bệnh bằng nhiều biện pháp để giảm lây lan như: tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh; che miệng khi ho và hắt hơi; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước; làm sạch và khử trùng các bề mặt đồ vật có thể bị nhiễm virus...
Theo vnexpress.net
Viết bình luận