Có thể uống thuốc theo toa của người khác không?

Chồng tôi bị viêm phổi, ho, sốt, đau mỏi người. Mấy ngày sau tôi cũng có triệu chứng tương tự, có thể uống thuốc theo đơn của chồng không? (Hoàng Thu, 45 tuổi).

Trả lời:

"Tôi có thể dùng lại đơn thuốc cũ?", "Đơn thuốc của người này sử dụng cho người kia được không" là những câu hỏi của nhiều bệnh nhân. Tự ý sử dụng đơn thuốc cũ, đơn của người khác rất nguy hiểm.

Bạn có thể không bị lây nhiễm bệnh từ chồng. Ho, sốt còn là triệu chứng của nhiều bệnh khác ngoài viêm phổi, như viêm mũi xoang cấp, viêm phế quản cấp, viêm họng, cúm. Dựa vào triệu chứng chưa thể khẳng định bạn có mắc bệnh viêm phổi hay không. Viêm phổi thường điều trị bằng kháng sinh. Nếu bạn bị cúm mà dùng kháng sinh là không cần thiết.

Ngoài ra, cơ thể mỗi người khác nhau, dùng thuốc phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, tuổi tác, chức năng gan thận. Một số loại phù hợp cho người này nhưng người kia thì không. Chẳng hạn thuốc của người có bệnh nền suy thận dùng cho người bình thường không đủ liều, khó khỏi bệnh. Ngược lại thuốc của người khỏe mạnh dùng cho người suy thận có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.

Bạn nên theo dõi sức khỏe tại nhà, súc họng, có thể dùng thuốc hạ sốt khi sốt trên 38 độ, uống thuốc ho, long đờm... Nếu bệnh không bớt, bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa hô hấp khám, chụp phổi để kiểm tra có viêm phổi không. Tùy theo mức độ tổn thương, bác sĩ có phương pháp điều trị phù hợp.

Tự ý sử dụng đơn thuốc cũ hoặc đơn thuốc của người khác, nhất là kháng sinh, có thể tăng nguy cơ kháng kháng sinh. Hiện, tình trạng đề kháng kháng sinh tại Việt Nam và thế giới đang ở mức đáng báo động. Mỗi kháng sinh mới sản xuất ra mất hàng chục năm. Tốc độ sản xuất kháng sinh mới chậm hơn nhiều so với tốc độ đề kháng kháng sinh.

Hơn nữa, sau đại dịch Covid-19, độ nhạy của nhiều vi khuẩn với kháng sinh có xu hướng giảm, thậm chí đề kháng ở mức cao, trong đó có nhóm kháng sinh mới vốn được ưu tiên điều trị các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp.

Trong một phân tích năm 2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ báo cáo tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở quốc gia này tăng cao hơn đáng kể vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Trong số này, nhiều loại có khả năng kháng kháng sinh hoặc thuốc chống nấm. Một số nghiên cứu khác về đề kháng kháng sinh sau đại dịch Covid-19 như nghiên cứu ở Hàn Quốc, Mỹ cũng cho thấy vi khuẩn kháng thuốc sau đại dịch tăng.

Để giảm nguy cơ kháng kháng sinh, bạn nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc sử dụng lại đơn thuốc của người khác.

Theo https://vnexpress.net/co-the-uong-thuoc-theo-toa-cua-nguoi-khac-khong-4677740.html

 

Viết bình luận