Hai tháng rưỡi nuôi sống bé sinh non 900 g

HÀ NỘIBé gái sinh non ở tuần thai 25, nặng 900 g, tím tái toàn thân, được bác sĩ nuôi dưỡng sau 2,5 tháng, tăng 2,8 kg, khỏe mạnh.

Chị Linh, 36 tuổi, nhập viện vào tháng 8 do chuyển dạ sớm. Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội truyền thuốc giảm co tử cung nhưng thai phụ không đáp ứng. Khi dấu hiệu chuyển dạ gia tăng, bác sĩ tiêm thuốc giúp trưởng thành phổi thai và truyền magie sulfat để bảo vệ thần kinh thai, giảm nguy cơ bại não.

Hai ngày sau, bé gái chào đời, nặng 900 g, khóc yếu, tím tái toàn thân. Bé lập tức được đặt vào túi plastic dưới đèn sưởi chuyên dụng để tránh hạ thân nhiệt, hồi sức hô hấp tích cực, đặt nội khí quản. Bác sĩ chuyển bé về khu hồi sức sơ sinh của bệnh viện bằng lồng ấp chuyên dụng ngay khi có phản ứng tốt, da hồng, nhịp tim ổn định.

Ngày 17/11, BS.CKIILê Tố Như, Trưởng khoa Sơ sinh, cho biết trẻ sinh cực non gặp bất thường về hệ hô hấp và hệ tiêu hóa do chức năng của các cơ quan chưa hoàn thiện. Ê kíp áp dụng phác đồ điều trị trong "giờ vàng" sau sinh giúp trẻ ổn định hô hấp, huyết động, thân nhiệt, đường máu. Các bác sĩ bơm surfactant vào phổi bé qua nội khí quản để giúp phổi nở và trao đổi khí tốt hơn. Đường truyền tĩnh mạch trung tâm được đặt qua tĩnh mạch rốn để nuôi dưỡng và tiêm thuốc cho bé, tránh lấy ven nhiều lần.

Bác sĩ chăm sóc trẻ sinh non trong lồng ấp chuyên dụng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ chăm sóc trẻ sinh non trong lồng ấp chuyên dụng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Trẻ được bảo vệ tối đa trước nguy cơ bệnh phổi mạn, tổn thương thần kinh, mắt... có thể để lại di chứng vĩnh viễn.

Tình trạng tăng đường huyết ở bệnh nhi cũng được kiểm soát bằng insulin sau hai ngày điều trị. Sức khỏe tiến triển tốt, ba ngày sau, bé được rút ống nội khí quản, chuyển sang thở máy không xâm lấn. Ở 32 tuần tuổi thai hiệu chỉnh (số tuổi được tính dựa theo ngày dự sinh của trẻ), bé được cai máy thở hoàn toàn.

Sau 9 ngày nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, bé ăn hoàn toàn qua đường ruột theo đường sonde mũi/miệng - dạ dày. Lượng ăn được tính toán tăng dần theo cân nặng để đảm bảo 120-130 kcal/kg/ngày - nhu cầu năng lượng cần thiết để bé tăng trưởng và phát triển tốt.

Ở 32 tuần tuổi thai hiệu chỉnh, bé bắt đầu được tập bú không dinh dưỡng (phương pháp cho trẻ tập vận động miệng để bú mút nhưng không có sữa) để thúc đẩy phát triển phản xạ bú - mút.

Hai tuần sau đó phản xạ bú tốt, bé được tập bú theo chương trình trẻ tập bú chỉ huy cho phép kiểm lượng sữa ăn dựa trên tiến trình hoàn thiện tự nhiên của hệ tiêu hóa, hạn chế tối đa các biến chứng như viêm phổi do hít sặc, nguy cơ gây hen, các bệnh dị ứng, biếng ăn sau này.

Theo bác sĩ Như, trẻ sinh non không có nhiều các dấu hiệu như bé sinh đủ tháng. Do đó, bác sĩ cần theo dõi chặt chẽ, xét nghiệm nhiều lần để đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe và điều chỉnh phác đồ phù hợp. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn luôn kiểm soát số lượng máu lấy để làm xét nghiệm, đảm bảo chế độ dinh dưỡng tối ưu và bổ sung sắt hợp lý nên em bé không cần phải truyền máu trong quá trình điều trị.

Bé sớm được da kề da với mẹ, kiểm soát các yếu tố gây stress như đau, ánh sáng, tiếng ồn... để đảm bảo phát triển thần kinh tối ưu. Bệnh nhi được sàng lọc máu gót chân, thính lực, võng mạc, tiêm vaccine phòng ngừa lao, viêm gan B theo lịch.

Sinh non là trẻ chào đời trước 37 tuần. Khi trẻ sinh ra trước 28 tuần được tính là mốc sinh cực non với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef), ước tính mỗi năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non tại Việt Nam. Với sự phát triển của y học, trẻ sinh non được chăm sóc y tế sớm tăng cơ hội sống và phát triển bình thường như bé sinh đủ tháng.

Theo https://song-khoe-voi-lifewise.mysapo.net/admin/articles/create

Viết bình luận