Hồi phục nhờ gym sau ca mổ 'thập tử nhất sinh'

Hồi phục nhờ gym sau ca mổ 'thập tử nhất sinh'

TP HCMTừng "chết đi sống lại" sau ca mổ cắt một phần túi thừa ở đại tràng, Thảo Vy, 24 tuổi, phục hồi sức khỏe nhờ ăn uống lành mạnh và tập gym đều đặn.

Huỳnh Phạm Thảo Vy, 24 tuổi, vốn thường xuyên đau bụng, uống thuốc giảm đau không đỡ, nghĩ do rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, tháng 7, cô bị đau bụng cấp, không thể đi lại, phải nhập viện cấp cứu.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị viêm ruột đôi đại tràng sigma, ổ bụng chứa túi thừa lớn khoảng 40 cm, chèn vào các nội tạng khác kèm nhiều tổn thương xung quanh, chỉ định nội soi cắt đoạn đại tràng sigma. Tuy nhiên, do khối thừa lớn, bám sâu các tạng, ê kíp phải kết hợp mổ mở để lấy trọn khối u, tiên lượng nặng.

"Bác sĩ nói nếu không can thiệp kịp thời, tình trạng chuyển biến nguy kịch, nguy cơ tử vong cao", Vy kể lại.

Tỉnh dậy sau ca mổ kéo dài 10 tiếng, cô ví cơn đau "như chết đi sống lại". Vết mổ dài hơn 10 cm nằm ngang khiến Vy bị sốc. Cô thậm chí không thể ngồi dậy, xoay nhẹ người cũng bị đau, đi lại phải có người dìu.

Vốn là người năng động, Vy nói thời gian ở viện như bị giam cầm, bí bách khiến cô bị trầm cảm. Chưa kể, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân không nên vận động mạnh đến khi cơ thể hồi phục hoàn toàn. Là huấn luyện viên, giúp mọi người rèn luyện sức khỏe song đến khi nằm trên giường bệnh, cô thấm thía câu nói "sức khỏe là vàng".

[Caption].l...

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sau ca mổ, Vy giảm 10 kg, chán ăn, cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống. Vốn là huấn luyện viên và vận động viên thể hình, cô gái luôn duy trì thân hình săn chắc, ba vòng 85-63-92. Khi xuống cân, Vy sợ soi gương, ngại ra ngoài, hạn chế gặp gỡ mọi người. Bác sĩ khuyên cô cần ba đến 4 năm mới có thể quay lại tập luyện.

"Song, gym không chỉ là công việc mà còn là đam mê", Vy nói và quyết định tập gym trở lại sau một tháng phẫu thuật.

Những ngày đầu, cô hạn chế bài tập nặng, phải gồng bụng, ảnh hưởng vết mổ. Nữ huấn luyện viên cũng không nâng tạ hàng chục kg như trước vì đuối sức. Gia đình ra sức ngăn cản, sợ ảnh hưởng sức khỏe. Thế nhưng, sau một tuần tập, Vy ăn ngon, ngủ sâu giấc và tinh thần thoải mái hơn.

"Có thể do cơ địa tập luyện lâu năm nên sức bền của tôi tốt hơn mọi người, tôi thấy bản thân hồi phục từng ngày", Vy nói.

Cô gái ưu tiên bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, chạy trên máy để cơ thể vận động; hoặc squat đứng lên ngồi xuống giống tập vật lý trị liệu để quen dần cường độ. Bài tập chủ yếu vào các nhóm cơ chính vùng vai, lưng nhằm tăng sức bền, phục hồi tổn thương. Sau ba tuần, Vy tăng 7 kg, vết mổ khô, kết quả tái khám hoàn toàn bình thường.

"Tưởng phải gác lại ước mơ thi đấu nhưng gym khiến mình khỏe nhanh hơn, cả sức khỏe và tinh thần. Biết đâu mình có thể quay lại đường đua sớm hơn dự định", nữ huấn luyện viên nói.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các bài tập gym có tác dụng kích thích sản sinh hormone, nhờ vậy cơ bắp có thể hấp thụ được lượng axit amin cần thiết và trở nên săn chắc hơn. Khi luyện tập gym thường xuyên và đúng kỹ thuật, quá trình trao đổi chất diễn ra suôn sẻ hơn, đồng thời lượng calo tiêu hao tăng lên rõ rệt, từ đó giúp giảm cân, hoặc giữ chỉ số cân nặng hợp lý. Bên cạnh đó, tập gym giúp cơ thể giải phóng các hormone tiêu cực, thúc đẩy hormone hạnh phúc, từ đó giảm căng thẳng.

Hình ảnh Vy trước khi phẫu thuật.

Vy từng tham gia các cuộc thi thể hình và cố gắng tập luyện để sớm quay lại đường đua. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Về dinh dưỡng, Vy tự lên thực đơn và chuẩn bị bữa ăn mỗi ngày. Theo Vy, dinh dưỡng chiếm 80% thành công của người tập luyện. Vì vậy, cô luôn duy trì chế độ ăn sạch, đủ chất và hạn chế đồ béo, chiên rán để không bị tăng cân quá mức. Trước đây, cô ăn 1300-1400 kcal để giữ được vóc dáng cân đối. Hiện, Vy ăn tăng lên 1900-2000 kcal, ăn 4-5 cữ để nhanh hồi phục cơ bắp.

"Không ai muốn bị bệnh nhưng chính ca mổ 'thập tử nhất sinh' trở thành là lý do để mình thay đổi cách nghĩ và lối sống", Vy chia sẻ.

Hằng ngày, cô duy trì bữa sáng khoảng 500 kcal, ăn yến mạch, bơ, lòng trắng trứng. Bữa trưa 400 kcal gồm khoai lang, gà, rau mồng tơi, hạt điều, thực phẩm bổ sung. Bữa phụ thường là hoa quả, hạnh nhân, sữa chua ít đường, nước lọc. Bữa tối tăng kcal lên bằng cách ăn cơm, bò nạc, nấm, hạt điều... Cô tham khảo thêm bác sĩ để có chế độ ăn phù hợp, bổ sung nhiều năng lượng giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn.

Sau 4 tháng, sức khỏe Vy gần như bình phục, không còn bị hụt hơi hay đau nhức vết mổ. Vy thừa nhận bản thân trưởng thành hơn, ăn uống chọn lọc và tập luyện có kế hoạch hơn.

"Chưa bao giờ mình nghĩ gym là phép màu nhưng nó đã vực mình đứng dậy, như bắt đầu lại một cuộc đời mới. Gym xứng đáng là bộ môn để mọi người rèn luyện, thậm chí giúp thay đổi cuộc đời", Vy nói.

 

Hình ảnh hiện tại của Vy, với số đo ba vòng 83-67-95. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hình ảnh hiện tại của Vy với số đo ba vòng 83-67-95. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Theo vnexpress.net

Viết bình luận