Một chế độ ăn uống lành mạnh cũng có thể ngăn chặn việc phá hủy các mô cơ thể và giúp xây dựng mô mới, nâng cao khả năng chịu đựng tác dụng phụ và đáp ứng điều trị ung thư tốt hơn.
Quan niệm sai hại người bệnh
Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Tú, khoa A6D - ung thư tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết đa phần bệnh nhân do thiếu hiểu biết, lo sợ bệnh ung thư phát triển hoặc tái phát nên không dám ăn uống, chế độ ăn thực dưỡng dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, cũng như không đủ sức khỏe để điều trị bệnh ung thư.
Người bệnh thường quan niệm thịt đỏ và các thực phẩm giàu protid (như sữa, trứng…) sẽ làm cho khối u phát triển nhanh hơn, bởi vậy dẫn tới tình trạng hạn chế hoặc kiêng khem đối với các loại thực phẩm kể trên. Tuy nhiên đó là một quan niệm sai lầm.
Các bằng chứng khoa học không ủng hộ quan điểm này. Protid là một yếu tố cơ bản giúp cơ thể làm lành vết thương, chống nhiễm khuẩn trong và sau phẫu thuật, hóa chất và xạ trị, là nguyên liệu bồi phụ khối cơ của cơ thể đã mất do quá trình dị hóa, nó còn giúp tăng khả năng ngon miệng trong khi người bệnh luôn chán ăn, ăn uống kém.
"Nhiều người mù quáng chữa ung thư bằng thực dưỡng đã phải trả giá. Thực dưỡng không chữa khỏi bệnh ung thư, có những người bệnh đã bỏ lỡ giai đoạn vàng trong quá trình điều trị bệnh, thậm chí là tử vong" - GS.TS Lê Thị Hương, trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện K, cảnh báo
Mới đây, một bệnh nhi 30 tháng tuổi được chẩn đoán ung thư máu nhưng không điều trị tại bệnh viện, mà đặt niềm tin vào lời quảng cáo điều trị cho cháu bé bằng nhai gạo sống, ăn cơm lứt với tương tekka, nhai trà thất vị (một loại trà gồm nhiều loại gạo và đậu rang lên, nấu nước, do chính người bán tự pha chế từ các nguyên liệu thực dưỡng), ăn tương sắn dây..., cháu bé đã tử vong.
Bổ sung dinh dưỡng hoàn chỉnh tăng thể lực, sức đề kháng
Bác sĩ Trần Đức Cảnh, khoa nội soi và thăm dò chức năng - Bệnh viện K, nhấn mạnh một kế hoạch thực đơn dinh dưỡng hoàn chỉnh sẽ góp phần tăng thể lực, sức đề kháng cho bệnh nhân ung thư và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Một chế độ ăn uống lành mạnh cũng có thể ngăn chặn việc phá hủy các mô cơ thể và giúp xây dựng mô mới.
Bệnh nhân có chế độ ăn uống tốt thì cũng có khả năng chịu được các tác dụng phụ của việc điều trị tốt hơn, thậm chí là cả với liều lượng thuốc cao hơn. Trong thực tế, một số ung thư sẽ đáp ứng điều trị tốt hơn nếu người bệnh có chế độ dinh dưỡng tốt, với đủ lượng calo và protein.
Bác sĩ Trần Đức Cảnh đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân đang điều trị:
- Hãy thử những món ăn mới vì một số thức ăn bình thường bạn không thích nhưng lại có thể có vị ngon khi bạn đang trong quá trình điều trị.
- Chọn nhiều loại thực phẩm khác nhau có nguồn gốc từ thực vật. Ví dụ, ăn các loại đậu thay cho thịt một vài bữa mỗi tuần.
- Hãy ăn nhiều loại trái cây và rau quả với nhiều màu sắc khác nhau hằng ngày. Trong các loại rau, trái cây nhiều màu sắc và thực phẩm có nguồn gốc thực vật có nhiều chất tăng cường sức khỏe tự nhiên.
- Cố gắng duy trì cân nặng hợp lý và tập thể dục đều đặn. Cân nặng có thể thay đổi một chút trong quá trình điều trị.
- Hạn chế hoặc giảm các loại thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn, đồ uống có đường và thực phẩm chế biến sẵn khác.
- Ăn nhẹ khi cần thiết
Trong quá trình điều trị ung thư, cơ thể cần thêm calo và protein để giúp bạn duy trì cân nặng cũng như giúp hồi phục nhanh nhất có thể. Nếu bị giảm cân thì nên bổ sung thêm đồ ăn nhẹ để duy trì sức khỏe và năng lượng, đồng thời giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.
Mặc dù đồ ăn nhẹ là nguồn cung cấp calo ít lành mạnh, nhưng khi đang trong quá trình điều trị thì bệnh nhân ung thư vẫn có thể sử dụng để đáp ứng nhu cầu năng lượng.
-
Vi rút SARS-CoV-2 có khả năng gây ung thư?
-
Điều gì giúp bệnh nhân ung thư khỏi bệnh dù bác sĩ trả về?
-
Mắc một loại ung thư nhưng kiêng ăn cả món của nhiều bệnh ung thư khác
Tuy nhiên điều này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, đến khi hết các tác dụng phụ của quá trình điều trị thì nên quay lại chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Còn nếu bệnh nhân vẫn có thể ăn uống bình thường và duy trì được cân nặng mà không cần ăn vặt thì không cần ăn các bữa ăn nhẹ như vậy. Hãy thử thêm đồ ăn nhẹ vào chế độ ăn hằng ngày bằng cách:
- Ăn nhiều bữa ăn nhẹ trong ngày.
- Chuẩn bị sẵn nhiều loại đồ ăn nhẹ giàu protein để ăn, ví dụ sữa chua, ngũ cốc và sữa, nửa chiếc bánh sandwich, một bát cháo hoặc xúp, phô mai và bánh quy.
- Tránh những đồ ăn có thể làm nặng hơn các tác dụng phụ của việc điều trị. Ví dụ, nếu bị tiêu chảy thì không nên ăn bỏng ngô, trái cây và rau sống. Nếu đau họng thì không nên ăn đồ ăn nhẹ dạng khô, thô cứng hoặc có tính axit.
- Cố gắng ăn thực phẩm giàu calo, giàu protein trong mỗi bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ.
- Tập thể dục nhẹ nhàng hoặc đi dạo trước bữa ăn để tăng cảm giác thèm ăn.
- Uống đồ uống có hàm lượng calo cao, giàu protein như sữa lắc và chất bổ sung dạng lỏng đóng hộp.
- Uống nước giữa các bữa ăn thay vì trong bữa ăn. Uống nước trong bữa ăn có thể khiến bạn cảm thấy quá no.
- Hãy thử các thanh dinh dưỡng và bánh pudding dinh dưỡng.
Đừng quên hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất có rất nhiều lợi ích. Hoạt động giúp bạn duy trì khối lượng cơ bắp, sức mạnh, sức bền và sức mạnh của xương. Nó có thể giúp giảm trầm cảm, căng thẳng, mệt mỏi, buồn nôn và táo bón. Nó cũng có thể cải thiện sự thèm ăn của bạn.
Vì vậy nên dành ít nhất 150 phút đến 300 phút mỗi tuần để hoạt động vừa phải, như đi bộ, mỗi tuần. Bắt đầu từ từ, có thể 5 phút đến 10 phút mỗi ngày và đạt mục tiêu 300 phút mỗi tuần khi có thể. Hãy lắng nghe cơ thể bạn và nghỉ ngơi khi bạn cần. Hãy làm những gì bạn có thể khi bạn muốn.
Theo Tuổi trẻ Online
Viết bình luận