Tỉ lệ người béo phì mắc các bệnh về tâm lý như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực… ngày càng nhiều, ngược lại người mắc các bệnh về tâm lý cũng dễ mắc béo phì hơn người bình thường.
Người trẻ dễ bị chi phối tinh thần bởi béo phì
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - phó viện trưởng Viện phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết béo phì là mối quan tâm sức khỏe hàng đầu trong xã hội ngày nay, nó không chỉ là nguồn cơn của nhiều căn bệnh nguy hiểm như tim mạch, huyết áp, xương khớp… mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm thần.
Theo nhiều nghiên cứu gần đây, tỉ lệ người béo phì mắc các bệnh về tâm lý như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực… ngày càng nhiều và ngược lại, người mắc các bệnh về tâm lý cũng dễ mắc béo phì hơn người bình thường.
Hiểu được những tác động này là rất quan trọng đối với người bệnh, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đang hướng đến một quy trình điều trị toàn diện bao gồm cả bệnh lý và tâm lý.
"Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân béo phì, tôi gặp không ít những bệnh nhân có dấu hiệu tâm lý bất ổn, đặc biệt là bệnh nhân trẻ tuổi. Làm công tác tư tưởng rất khó, họ không có nhu cầu giao tiếp hoặc không biết cách điều khiển cảm xúc của mình, thích sống khép kín và thường nhìn người khác bằng ánh mắt dè chừng" - PGS Tuấn chia sẻ.
Năm 2022 có bệnh nhân Nguyễn Anh T. (18 tuổi, gốc Hà Nội, hiện sinh sống tại Cộng hòa Czech) nặng 148kg về nước và tiếp cận phương pháp phẫu thuật thu nhỏ dạ dày, nhưng do chưa đủ tuổi phẫu thuật nên em lại quay về Cộng hòa Czech (thời điểm này em chỉ 128kg, đã có dấu hiệu trầm cảm). Sau 1 năm bệnh nhân đã tăng lên 20kg và bệnh trầm cảm ngày càng nặng.
"Điều làm tôi ấn tượng nhất ở bệnh nhân này là ngoài một ngoại hình ngoại cỡ là một thái độ tiêu cực. Bệnh nhân không hợp tác khi giao tiếp, luôn dành cho người đối diện một ánh mắt không thiện cảm, vui buồn thất thường không điều tiết được cảm xúc... Trước điều trị cũng vô cùng gian nan và đòi hỏi sự kiên nhẫn của bác sĩ điều trị, kết hợp cùng gia đình bệnh nhân" - bác sĩ Tuấn cho biết thêm
Một trường hợp khác, Phạm Thanh X. (22 tuổi, Hà Nội, 112kg) cũng bị trầm cảm. Mẹ bệnh nhân cho biết em bị trầm cảm trong thời gian dài phải sử dụng thuốc an thần, hạn chế giao tiếp xã hội, không có bạn bè và có xu hướng thích làm việc độc lập, ăn uống không thể kiểm soát.
Đây là 2 trong số nhiều trường hợp béo phì gặp vấn đề về tâm lý được điều trị. Trong quá trình điều trị giảm béo kết hợp với điều trị tâm lý sức khỏe các bệnh nhân đã thay đổi tích cực cả về thể chất và tâm thần.
"Xã hội hiện đại ngày một nâng tầm quan điểm về cái đẹp thì những người béo phì lại càng khó hòa hợp với cộng đồng. Điều này càng làm người béo trở nên tự ti. Họ sợ những lời chế giễu, chê bai dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, cảm giác như bản thân không tồn tại, càng khó có chỗ đứng trong xã hội.
Từ những thái độ tiêu cực đó đưa đến bất mãn về bản thân, dẫn đến chán nản, sống khép kín, ít vận động và ăn nhiều. Cũng từ đây nảy sinh các vấn đề tâm lý ở người béo phì như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, ám ảnh cân nặng …", ông Tuấn nhận định.
Tác động của béo phì đến sức khỏe tâm thần
- Béo phì và lòng tự trọng: Một trong những khía cạnh mà béo phì ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần là thông qua tác động của nó đến lòng tự trọng. Những người mắc bệnh béo phì thường phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội và những định kiến tiêu cực.
Sự xem xét kỹ lưỡng liên tục này có thể dẫn đến cảm giác giảm sút về giá trị bản thân và tăng cường ý thức về bản thân. Kết quả là những người này có thể dễ bị lo lắng, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
- Cách ly xã hội: Béo phì cũng có thể dẫn đến sự cô lập với xã hội. Những cá nhân bị ảnh hưởng có thể rút lui khỏi các tương tác xã hội do sợ bị phán xét hoặc cảm thấy khó chịu trong các tình huống xã hội.
-
Lối sống tĩnh tại và thừa cân làm tăng ca mắc đái tháo đường, phòng ngừa sao?
-
Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc 17 loại ung thư
-
Thừa cân do thích ăn ngọt khi căng thẳng, stress
- Sự không hài lòng về hình ảnh cơ thể: Không hài lòng về hình ảnh cơ thể là một vấn đề phổ biến khác đối với những người đang vật lộn với bệnh béo phì. Họ có thể trải qua cảm giác xấu hổ và không hài lòng với ngoại hình của mình, dẫn đến nhận thức tiêu cực về bản thân.
- Giảm chất lượng cuộc sống: Béo phì thường làm giảm chất lượng cuộc sống, có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. Những người mắc bệnh béo phì có thể gặp khó khăn khi tham gia các hoạt động thể chất và có thể gặp các vấn đề về sức khỏe làm hạn chế hoạt động hằng ngày của họ.
- Đối phó cơ chế: Một số cá nhân chuyển sang cơ chế đối phó không lành mạnh để đối phó với những thách thức về mặt cảm xúc của bệnh béo phì. Điều này có thể bao gồm ăn quá nhiều, ăn uống vô độ hoặc thậm chí lạm dụng chất gây nghiện.
- Vòng luẩn quẩn: Béo phì và các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn. Những thách thức về mặt cảm xúc của bệnh béo phì có thể dẫn đến ăn quá nhiều và tăng cân, từ đó làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
"Chúng ta cần nhận định béo phì là một bệnh và cần được quan tâm điều trị đúng cách. Nó đang gây ra cho xã hội nhiều nguy cơ cả về kinh tế, chính trị, xã hội và y tế. Để cải thiện vấn đề này, các bác sĩ, chuyên gia y tế cần xây dựng quy trình điều trị béo phì toàn diện bao gồm cả dinh dưỡng, thể chất, nội khoa, ngoại khoa và cả tâm lý.
Ngoài ra, chúng ta nên xây dựng một môi trường có lối sống lành mạnh, hãy biết cảm thông và chia sẻ để người béo phì có cơ hội hòa nhập cộng đồng" - bác sĩ Tuấn nêu ý kiến.
Theo Tuổi trẻ Online
Viết bình luận