Vi rút SARS-CoV-2 có khả năng gây ung thư?

Một số nghiên cứu được công bố cho thấy vi rút SARS-CoV-2 có thể kích hoạt các con đường gây ung thư, làm tăng nguy cơ hình thành ung thư.

Các nhà khoa học cho rằng cần có các thí nghiệm để loại trừ mối liên hệ giữa COVID-19 kéo dài và ung thư - Ảnh: FORTUNE

Các nhà khoa học cho rằng cần có các thí nghiệm để loại trừ mối liên hệ giữa COVID-19 kéo dài và ung thư - Ảnh: FORTUNE

Theo Trang Fortune, ước tính trên toàn thế giới, có 65 triệu người bị COVID-19 kéo dài (Long COVID).

Tại Mỹ, cứ 7 người trưởng thành thì có một người trải qua các triệu chứng COVID-19 kéo dài 3 tháng hoặc lâu hơn sau lần đầu tiên nhiễm vi rút.

Do vi rút SARS-CoV-2 đôi khi gây ra tình trạng viêm mãn tính tương tự với quá trình mà các loại vi rút khác tạo ra tế bào ung thư, ngày càng nhiều nhà nghiên cứu đặt câu hỏi: liệu chúng có khả năng gây ung thư?

 

Vi rút SARS-CoV-2 gây viêm mãn tính

Nhiễm vi rút là nguyên nhân gây ra 15 - 20% trường hợp ung thư trên toàn cầu.

Với hơn 770 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới, gần 7 triệu ca tử vong, vi rút SARS-CoV-2 được chứng minh là một mối đe dọa đáng kể.

Bà Akiko Iwasaki, giáo sư tại Trường Y Yale (Mỹ) và là đồng trưởng nhóm nghiên cứu về COVID-19 của Yale, cho biết: “Chúng tôi thực sự không hiểu rõ hết ngọn nguồn về loại vi rút này, vì vậy có một số yếu tố liên quan khiến tôi băn khoăn: liệu SARS-CoV-2 có thể dẫn đến ung thư hay không?”.

Bà Iwasaki nói tình trạng viêm mãn tính “tạo ra tình huống để nhiều đột biến tích tụ trong các tế bào khác nhau; và những đột biến sinh sôi nảy nở có thể trở thành ung thư”. 

Ung thư cũng hiếm khi là kết quả của một sự kiện đơn lẻ, nó thường đòi hỏi nhiều sự kiện gây đột biến xảy ra trong một thời gian dài.

Vi rút gây ung thư thường gây nhiễm trùng dai dẳng trong vật chủ và chúng rất giỏi lẩn tránh hệ miễn dịch.

Hơn nữa, bằng chứng mới ủng hộ ý kiến cho rằng một số người chứa “ổ chứa vi rút”, những nơi trong cơ thể có SARS-CoV-2 hoặc một số mảnh vi rút có thể tồn tại.

Bà Iwasaki cho biết ổ chứa vi rút có thể đang sao chép vi rút, hoặc các mảnh RNA của vi rút có thể đang sản xuất protein hoặc đang nằm im.

Ngay cả khi những phần còn lại của vi rút không có khả năng lây nhiễm, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng sự hiện diện của chúng vẫn có thể làm thay đổi phản ứng miễn dịch của con người theo những cách gây tổn hại.

Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn biết rất ít về những tác động lâu dài, nhưng có một giả thuyết cho rằng một số bệnh nhân COVID-19 kéo dài sẽ gặp phải một loại viêm liên tục ở mức độ thấp, có thể góp phần gây tổn thương mô và cơ quan.

Nhà miễn dịch học Troy Torgerson và nhóm của ông đã nghiên cứu một nhóm 55 người trưởng thành mắc COVID-19 và chưa tiêm vắc xin. Kết quả tìm thấy bằng chứng về tình trạng viêm dai dẳng trong máu của hơn một nửa thành viên nhóm và họ đều có các triệu chứng COVID-19 kéo dài ít nhất 60 ngày.

Một báo cáo do Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) tài trợ đã phát hiện những người bị COVID-19 kéo dài có biểu hiện viêm toàn thân và rối loạn điều hòa miễn dịch 8 tháng sau khi nhiễm bệnh.

Tổn thương mô trên diện rộng đã được quan sát thấy ở cả những người mắc COVID-19 và bị COVID-19 kéo dài: viêm mãn tính, nồng độ oxy trong mô thấp, căng thẳng oxy hóa, phản ứng tế bào T bị suy giảm và nồng độ cytokine tăng cao. Đây là những cơ chế mà qua đó người ta cho rằng SARS-CoV-2 có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.

Michael Karin, giáo sư tại Trường Y khoa UC San Diego và là chuyên gia về cơ chế viêm, cho biết: “Tôi ước tính chứng viêm mãn tính có liên quan theo cách này hay cách khác trong 30% đến 50% số ca tử vong liên quan đến ung thư”.

Những rủi ro khác cần chú ý

Nói rộng ra, vi rút có thể gây ung thư theo nhiều cách. Vi rút có thể chứa một loại protein cản trở các chất ức chế hoặc chiến đấu với bệnh ung thư.

Như Aureliano Stingi, chuyên gia sinh học về ung thư, giải thích: “Chúng ta có hai bàn đạp: chân ga và phanh. Một chất ức chế là phanh. Một gene gây ung thư là chất tăng tốc. Khi bạn mất cân bằng cả hai, bạn sẽ bị ung thư”.

Một số nghiên cứu được công bố cho thấy SARS-CoV-2 có thể kích hoạt các con đường gây ung thư, có khả năng làm tăng nguy cơ hình thành ung thư.

Tại phòng khám ung thư cộng đồng của mình ở Rock Hill, SC, bác sĩ Kashyap Patel cho biết trong thời kỳ hậu COVID-19, ông và các đối tác bắt đầu nhận thấy sự gia tăng mạnh mẽ một số bệnh ung thư hiếm gặp và ở những bệnh nhân có độ tuổi trẻ hơn bình thường.

Hơn nữa, một số bệnh nhân biểu hiện mắc nhiều bệnh ung thư trong một khoảng thời gian ngắn và một điểm chung là từng nhiễm SARS-CoV-2, cả COVID-19 kéo dài hoặc phơi nhiễm nhiều lần.

Hiện các nhà nghiên cứu và chuyên gia đang theo dõi chặt chẽ điều bất ngờ tiếp theo của COVID-19.

Theo Tuổi trẻ Online

Viết bình luận