Viêm quanh khớp vai

Viêm quanh khớp vai có thể xảy ra khi bạn làm việc nặng, chấn thương thể thao, thoái hóa khớp, gây đau và hạn chế vận động.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ và bác sĩ Lâm Nguyễn Thùy An, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3.

Định nghĩa

- Viêm quanh khớp vai là thuật ngữ dùng chung cho bệnh lý viêm các cấu trúc phần mềm quanh khớp vai như dây chằng, gân, cơ, bao khớp, bao thanh dịch. Bệnh này không bao gồm các bệnh lý có tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch.

- Viêm quanh khớp vai thể đơn thuần thường gặp nhất, chiếm 90% trường hợp.

Nguyên nhân

- Tổn thương khớp vai do làm việc nặng.

- Chấn thương khi chơi thể thao (cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội...) lặp đi lặp lại gây tổn thương các gân cơ quanh khớp vai.

- Viêm gân, thoái hóa, vôi hóa phần mềm quanh khớp.

- Thoái hóa gân ở người lớn tuổi, thường gặp ở người từ 50 tuổi trở lên.

- Một số trường hợp không tìm thấy nguyên nhân.

Triệu chứng

- Triệu chứng chủ yếu là đau vai, đặc biệt là đau khi giơ tay lên cao hoặc sang một bên.

- Đau khi thực hiện các hoạt động phải đưa tay cao hơn đầu như chải tóc, đôi khi cảm thấy yếu cánh tay.

Diễn tiến bệnh

- Giai đoạn 1: Đóng băng hay giai đoạn mạn tính.

* Trong giai đoạn này, đau là biểu hiện điển hình nhất.

* Vai bắt đầu đau khi hoạt động quá mức và rất đau khi va chạm.

* Cơn đau tăng nhiều vào buổi tối và khi nằm nghiêng bên vai bệnh.

* Khi cơn đau trở nên tệ hơn, vai của bạn sẽ hạn chế vận động.

* Tình trạng này thường kéo dài từ 6 tuần đến 9 tháng.

- Giai đoạn 2: Đau vai cấp do lắng đọng tinh thể.

* Đau dữ dội, có thể lan lên cổ, xuống cánh tay.

* Hạn chế các động tác vận động khớp vai như giang tay, đưa tay lên cao, bắt chéo tay, đưa tay ra trước hoặc ra sau, có thể sưng nóng vùng vai.

* Giai đoạn này có thể dài từ 4 đến 6 tháng hoặc lâu hơn tùy theo thể trạng của người bệnh.

* Giả liệt khớp vai do đứt gân của bó dài gân cơ nhị đầu hoặc gân mũ cơ quay: Đau dữ dội xuất hiện sau tiếng kêu "rắc rắc" khi thực hiện một động tác cử động vai đột ngột. Hạn chế vận động rõ.

- Giai đoạn 3: Đông cứng khớp vai.

* Cơn đau xuất hiện ngày càng nhiều.

* Khớp vai bị cứng, vận động bị hạn chế hoàn toàn.

* Quan sát từ phía sau, khi bệnh nhân giơ tay lên sẽ thấy xương bả vai di chuyển cùng một khối với xương cánh tay.

Biến chứng

- Bệnh viêm quanh khớp vai nếu điều trị không đúng thì sẽ tiến triển nặng dần, dẫn đến các biến chứng đứt gân, khiến khả năng phục hồi rất khó khăn.

- Bệnh nhân bị đau đớn, hạn chế vận động kéo dài sẽ bị trầm cảm, lo lắng, ảnh hưởng lớn đến khả năng làm việc, sinh hoạt và giấc ngủ.

- Khớp vai có thể bị đông cứng, giả liệt, gây tàn phế cho bệnh nhân.

- Ngoài ra bệnh nhân có thể phải gánh chịu các tai biến do dùng thuốc hay thủ thuật như bị nhiễm khuẩn khớp vai, áp xe cơ vùng vai, dị ứng thuốc, có thể dẫn đến tử vong.

Điều trị

- Điều trị viêm quanh khớp vai bao gồm điều trị đợt cấp và điều trị duy trì.

* Điều trị đợt đau cấp làm giảm nhanh chóng các triệu chứng đau vai, góp phần sớm phục hồi được chức năng vận động của khớp.

* Điều trị duy trì có mục tiêu phục hồi các mô bị tổn thương, tăng cường sức mạnh của khớp vai và tránh tái phát bệnh.

- Phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau như nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và cả Đông y.

* Bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau, chống viêm (celebrex, mobic), giãn cơ (myonal), an thần hay tiêm thuốc chống viêm corticoid tại chỗ vào vùng bao gân cơ bị tổn thương.

* Áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu như dùng đèn hồng ngoại, laser, sóng ngắn, vi sóng, điện từ trường.

* Khi vai đỡ đau thì mới được vận động nhẹ nhàng. Cũng có thể xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu.

- Cánh tay được nghỉ ngơi sẽ hồi phục dần dần mà không cần phải phẫu thuật. Đa số bệnh nhân viêm quanh khớp vai có thể khỏi bệnh sau 1-3 tháng.

- Vận động viên thể thao sau khi được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau mà không khỏi mới phẫu thuật. Ngoài ra, trường hợp bị đứt gân cơ quanh vai có thể phẫu thuật nối gân.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

- Cần có chế độ sinh hoạt vận động hợp lý.

- Trong giai đoạn đau vai cấp tính phải để vai được nghỉ ngơi.

- Sau khi điều trị có hiệu quả mới bắt đầu tập luyện để phục hồi chức năng khớp vai, đặc biệt ở thể đông cứng khớp vai.

- Tránh lao động nặng trong thời gian dài, tránh các động tác dang tay quá mức hay nâng tay lên cao quá vai.

Theo vnexpress.net 

Viết bình luận